Kinh nghiệm phỏng vấn của tôi
Hi các bạn, mình là Hồng Nguyên, cựu sinh viên Đối ngoại (K04.402.A).
Mình nhớ rắng đây là thời gian bắt đầu thực tập cũng như có những sự chuẩn bị để bước vào giai đoạn đi làm chính thức, mình xin chia sẻ một vài tình huống bản thân đã gặp phải khi đi xin việc với mong muốn các bạn có thể tham khảo chút ít, vì thời gian này năm trước mình cũng đã rất hoang mang vì không có nhiều sự hỗ trợ tư vấn.
Trước tiên là hồ sơ xin việc.
Xu hướng bây giờ thường viết bằng tiếng Anh. Gồm có 2 bản tự viết là CV và resume. Theo mình hiểu thì CV là bản trình bày những thông tin của cá nhân, sao cho nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quát về ướng viên; còn resume sẽ trình bày ngắn gọn sự hiểu biết và hứng thú của mình đối với vị trí, công ty dự tuyển.
CV rất quan trọng, hãy bỏ công sức ra để hoàn thiện nó.
Có thể tham khảo một số mẫu, nhưng tùy vào công việc mong muốn mà chú trọng đến từng phần thích hợp.
1. Thông tin cá nhân ứng viên (Personal Information)
2. Quá trình học tập (Educational Level): nên kẻ bảng hoặc nêu một cách ngắn gọn, đầy đủ, khoa học. Có thể bắt đầu từ cấp 3. Nêu đủ các lớp ngoại khóa (Anh văn, vi tính, kỹ năng mềm…) và những chứng nhận đã đạt.
3. Kỹ năng (Skill): bạn hãy suy nghĩ kỹ xem mình có những kỹ năng nào nổi bật. Mỗi người là một sự khác biệt, hãy xác định xem mình mạnh ở điểm nào và yếu ở điểm nào, đừng thấy bạn bè ai cũng ghi là: có kỹ năng giao tiếp tốt, ham học hỏi… thì mình cũng ghi như vậy. Tìm hiểu với công việc mình mong muốn sẽ đòi hỏi những kỹ năng như thế nào, và mình đáp ứng được những kỹ năng nào.
Có những kỹ năng thông thường như sử dụng vi tính hoặc ngoại ngữ thành thạo, có những kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, thuyết phục…Trong quá trình đi học, bạn là người có thể thu hút sự chú ý của đám đông bằng những câu chuyện hay hành động của mình, hoặc có thể phân công tốt công việc cho các thành viên khi làm nhóm… đó chính là kỹ năng, những tính cách đó sẽ tương ứng với tên gọi kỹ năng trong công việc.
4. Mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective): Bạn muốn sử dụng khả năng của mình để gắn bó và phát triển trong lĩnh vực nào, vì sao? Trong vòng 5 hay 10 năm sau bạn sẽ ở đâu trên nấc thang sự nghiệp của mình, bạn mong muốn đạt được những thành tựu nào.
5. Kinh nghiệm làm việc (Working Experience): một số công việc bán thời gian và những gì bạn học hỏi được từ đó. Thường mục này không chú trọng nếu chọn ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp.
6. Thông tin khác (Additional Information): bất cứ điều gì về bản thân mà bạn muốn nhà tuyển dụng biết thêm về mình. Tính cách, sở thích (khi bạn nói thích đọc sách hãy nêu cụ thể loại sách gì, thích đi du lịch thì cụ thể thêm chẳng hạn đã đi được những đâu và thấy gì thú vị; tóm lại những điều cụ thể về cá nhân bạn sẽ thu hút chú ý hơn là chỉ nói một cách chung chung). Các hoạt động ngoại khóa cũng là một phần quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá tính cách năng động, cởi mở, sẵn sàng vì tập thể… của ứng viên, vì vậy nếu bạn từng tham gia các hoạt động xã hội, dù là nhỏ (MHX, nhặt rác tình nguyện, đi bộ đồng hành…) cũng nên đề cập đến.
7. Người tham chiếu (References): thường là thầy cô hoặc một người hiểu rõ quá trình học tập phấn đấu để có thể đảm bảo cho những thông tin bạn nêu. Ở nước ngoài nó khá quan trọng nhưng VN thì không quan trọng lắm.
Hãy cố gắng viết một Cv hoàn chỉnh, rồi tùy từng công việc bạn apply mà có thể thay đổi một số nội dung cho phù hợp.
Hồ sơ xin việc cần kèm theo chứng nhận cho những thành tích bạn đã nêu.
Mình kèm đây bản CV theo mẫu của HSBC, các bạn tham khảo thôi chứ mình không giỏi English lắm, các bạn có thể làm tốt hơn.
Kinh nghiệm làm bài test sơ tuyển.
Sau khi qua vòng hồ sơ, ứng viên thường được gọi làm bài test. Tùy công việc, bài test thường được thiết kế để kiểm tra khả năng tính toán, khả năng logic, khả năng thư ký… của ứng viên.
Thực ra ban đầu mình không có kinh nghiệm làm test, nghe một số bạn nói thì có thể mua sách GMAT hoặc tải cái bài test trên mạng về làm thử. Riêng mình từng làm bài test của P&G, HSBC, ACB, Cocacola. Cứ làm xong bài trước thì rút kinh nghiệm cho bài sau. Tất cả đều bằng tiếng Anh, có từ 3 đến 5 phần. Gồm những bài toán nhỏ, suy luận một chút, bấm máy hoặc phải tính nhẩm, đại loại như có 1 vòi nước chảy vào bể với vận tốc 5m3/giờ, đồng thời dưới dáy bể có vòi xả với vận tốc 2m3/giờ, hỏi sau bao lâu bể đầy (đại loại, không nhớ chính xác), hoặc P&G cho những bài toàn rất gần với môn thống kê.
Phần gồm các đoạn văn ngắn để thử khả năng suy nghĩ logic: David nhà ở London, thích ăn kem và chơi với Mina; Luis nhà ở Milan, thích bóng chuyền, đọc sách và chơi với Mike, Peter; Mina nhà ở Boston, thích thả diều, ăn kem, trượt tuyết và chơi với Peter, David…. Hỏi: ai vừa ở cùng chỗ, vừa chơi cùng nhau; ai có chung sở thích nhưng không chơi cùng nhau…(đại loại)
Cocacola có phần thi cho một hình vuông kẻ ô chia ra nhiều hình vuông nhỏ, mỗi ô vuông nhỏ có sẵn một ký tự nào đó, chẳng hạn đường kẻ ngang, hình tam giác, vòng cung, đề là bằng sự tường tượng hãy hoàn thành những bức tranh, lúc đó mình không biết phải làm gì nữa, đành vẽ đại (đến bây giờ vẫn không biết đáp án).
Hoặc cho một vài chủ đề về kinh doanh để bạn viết bài luận, chừng một mặt giấy.
Sau khi qua vòng test thường có thêm phần thi làm việc nhóm hoặc thuyết trình chủ đề cho trước.
Kinh nghiệm phỏng vấn:
Một nhà phỏng vấn chuyên nghiệp là người tạo ra một không khí thân mật, cởi mở để thông qua việc trò chuyện ứng viên thể hiện phần lớn những tính cách của mình. Có một số nhà phỏng vấn thường đặt mình ở vị thế trên, khó gần và nghiêm nghị, làm cho ứng viên cảm thấy áp lực, một cuộc phỏng vấn như vậy theo mình là không thành công.
Ban đầu bao giờ người ta cũng yêu cầu bạn tự giới thiệu. Vì vậy tốt nhất là chuẩn bị sẵn một đoạn văn nói về những thông tin cơ bản, có thể kèm thêm một vài môn học bạn yêu thích cũng như cá tính của bạn. Thường người ta cũng sẽ hỏi về gia đình.
Tiếp sau là những gì liên quan trong CV bạn đã gửi kèm. Lần đầu mình tham gia một cuộc phỏng vấn là cho bộ phận Material Purchasing của Intel. Ông sếp người Sing nhìn vào bản CV và hỏi “dựa vào đâu bạn cho rằng mình là người có khả năng giao tiếp tốt”; mình không nghĩ người ta sẽ hỏi những điều trong CV nên hơi bối rối một chút, ông lại hỏi thêm “Có khi nào có một người không có ấn tượng tốt với bạn nhưng nhờ vào khả năng giao tiếp của mình bạn đã thay đổi cách nhìn nhận của người đó?”, làm mình lúng túng thật sự; ý nghĩ thì có rất nhiều nhưng giờ phút đó do bất ngờ nên mình không thể đưa ra một tình huống nổi bật.
Vì vậy, với những gì bạn đã nói trong CV hãy nghĩ đến các câu hỏi có thể được đưa ra và câu trả lời của bạn.
Lát sau ông ta đưa cho mình một tình huống, mình đọc và phát hiện có một vài từ mình không biết nghĩa. Vì không hiểu hết tình huống nên giải pháp mình đưa ra có lẽ không sắc sảo. Lúc đó mình nên đề nghị ông giải thích nghĩa những chỗ đó. Đây cũng là một lời khuyên cho bạn, dù biết chắc sẽ “mất điểm” nhưng như vậy còn hơn bạn không hiểu rõ tình huống và trả lời cầm chừng.
Có những điều ai cũng biết nhưng mình vẫn muốn nhắc thêm: khi tham gia một cuộc phỏng vấn, bạn phải chú ý đến sự thể hiện của mình; ăn mặc gọn gàng, chọn quần áo sáng màu, tác phong thật từ tốn dứt khoát, ngồi ngay ngắn và đừng ngại nhìn thẳng, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn hoàn toàn tự tin.
Thứ nữa, người ta sẽ hỏi điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì. Hoặc hỏi: những người xung quanh bạn đánh giá bạn là người như thế nào.
Nói vể điểm mạnh thì không quá khó khăn nhưng để nói lên điểm yếu của mình thì đó là một nghệ thuật. Làm sao vừa thể hiện bạn là người thành thật và hiểu chính mình vừa khiến nhà tuyển dụng tin tưởng rằng bạn sẽ sớm khắc phục khuyết điểm và chúng không hề ảnh hưởng đến công việc. Khi nhận câu hỏi này trong cuộc thi MT cho Cocacola, mình suy nghĩ một chút rồi trả lời “Tôi là người thông minh, có khả năng tiếp thu tốt. Nhưng cũng vì vậy mà khi làm việc nhóm tôi ít lắng nghe ý kiến người khác, có thể nói đôi khi tự phụ. Nhưng sau này tôi có chơi với một nhóm bạn, thường học chung và tôi thấy được rằng còn rất nhiều người giỏi hơn mà mình cần học hỏi và tôi đang cố gắng học cách lắng nghe người khác…”
Tất nhiên trước khi tham gia phỏng vấn bạn nên tìm hiểu một số thông tin về công ty, về vị trí ứng tuyển để thể hiện bạn thực sự quan tâm đến công việc này và những khả năng của bạn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
Chìa khóa của một cuộc phỏng vấn thành công đó là sự tự tin và thành thật. Đừng cố tỏ ra mình là người quá giỏi giang, đừng chỉ nói về những mặt tốt, đừng ra vẻ cái gì mình cũng biết và có thể làm được. Nhà tuyển dụng có con mắt rất tinh tường, vì nghề của họ là nhìn người. Vì vậy, hãy cứ là chính bạn, nhưng đừng quên, kẹp thêm 2 chữ tự tin.
Mình xin dừng tại đây vì viết dài sợ các bạn không đọc nổi. Mình nghĩ lẽ ra Khoa nên có chương trình tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên năm cuối.
Năm ngoái cả lũ đối ngoại bọn mình rủ nhau đổ vào ngân hàng làm việc nhưng cuối cùng có rất nhiều người chán nản. Như mình khi nộp đơn thì không biết đó là công việc như thế nào. Rồi cũng cố sống cố chết mà làm cái luận văn, cuối cùng rồi thấy nó cũng chẳng to tát như mình nghĩ. Học 4 năm xong ai cũng nghĩ ráng làm cái luận văn cho hoành tràng nhưng đi thực tập trong ngân hàng năm nào cũng chỉ có từng đó đề tài, số liệu có khi không xin được nên cuối cùng là làm cho xong chứ không có tâm huyết gì cả. Trầy trật bảo vệ được 8.5 mừng muốn chết, trong khi lũ bạn phè phỡn thi 2 môn chuyên ngành cuối cùng toàn 9 với 10. Đau lòng nhức óc.
Bây giờ chắc các bạn đi thực tập rồi, nếu có bất kỳ thắc mắc gì thì cứ hỏi nhé, tốt nhất là post vào diễn đàn 402A, có nhiều anh chị bây giờ sắp thành tai to mặt bự rồi, chắc không ngần ngại tư vấn kinh nghiệm cho các bạn đâu.
Chúc tất cả các bạn thành công nhé!